Chảy máu âm đạo không đúng ngày kinh do sốt xuất huyết

Chảy máu âm đạo nhưng không đúng ngày kinh, người bệnh được bác sĩ khoa Cấp cứu Đức Thiện phát hiện nguyên nhân do sốt xuất huyết.

Lần thứ 2 bị sốt xuất huyết
Chị Đ.T.H. (30 tuổi, TP.HCM) sau 2 ngày sốt liên tục thì chảy máu âm đạo; thế nhưng chu kỳ kinh lần này bất thường, không đúng ngày hành kinh nên chị đến khoa Cấp cứu.

Bác sĩ CKII Lê Hồng Hải, khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt lả, da xanh xao và được truyền ngay dung dịch muối 0.9%. Kết quả siêu âm bụng, âm đạo, xét nghiệm công thức máu cho thấy tiểu cầu giảm còn 88.000 tế bào/micro lít máu (chỉ số bình thường từ 150.000 đến 400.000/micro lít máu). Ngay lập tức, với sự phối hợp của các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, người bệnh được xác định không mang thai, niêm mạc âm đạo bình thường.

Cuối cùng các bác sĩ xác định người bệnh đã bị sốt xuất huyết ngày thứ 4 với dấu hiệu cảnh báo nặng là chảy máu tự nhiên qua ngã âm đạo. Nếu không đến bệnh viện điều trị kịp, người bệnh có nguy cơ xuất huyết nội tạng, tụt huyết áp,… đe dọa tính mạng. Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định nhập viện, bù dịch bằng đường uống và đường truyền. Bác sĩ khoa Cấp cứu và Trung tâm Sản Phụ khoa cùng theo dõi chống sốc, lên phương án “tác chiến” nếu xảy ra tình huống xuất huyết ồ ạt nguy kịch tính mạng.

Sau 5 ngày điều trị bù dịch bằng đường uống và đường truyền, theo dõi chống sốc sát sao tại BVĐK , người bệnh không còn chảy máu âm đạo, ăn uống bình thường trở lại nên được xuất viện an toàn.

Chị H. cho biết đây là lần thứ hai bị sốt xuất huyết, lần đầu vào năm 2021. Lần trước, chị bị biến chứng sốt xuất huyết dẫn đến chảy máu chân răng, đi cầu ra máu. Thời điểm ấy dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nên chị tự điều trị tại nhà, may mắn qua khỏi. Còn trong lần sốt xuất huyết này, chị mệt lã, sức khỏe suy kiệt, bị chảy máu âm đạo bất thường.

“Lần này tái mắc sốt xuất huyết, sức khỏe yếu hẳn. Tháng trước, tôi có người bạn tử vong do sốt xuất huyết nên thấy sốt nên đến phòng khám gần nhà và được cho thuốc điều trị, chưa cần nhập viện. Vài ngày sau đó, khi bị chảy máu âm đạo, tôi đến ngay khoa Cấp cứu,”, chị H. chia sẻ.

Vì sao sốt xuất huyết gây chảy máu âm đạo?

Bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một – Phó khoa Cấp cứu chia sẻ, chảy máu âm đạo là một trong những biến chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nếu không nhập viện theo dõi kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị xuất huyết ồ ạt, đe dọa tính mạng. Nguyên nhân do tiểu cầu giảm, thành mạch bị tổn thương, tăng tính thấm gây thoát huyết tương và xuất huyết. Ngoài ra, các yếu tố đông máu giảm do bị tiêu thụ vào quá trình tăng đông, suy giảm chức năng gan cũng khiến người bệnh dễ chảy máu đường ruột, âm đạo.

Theo bác sĩ Một, sốt xuất huyết có đặc trưng là sốt và xuất huyết. Giai đoạn sốt xuất huyết vào ngày thứ 3 – 7 do người bệnh tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết. Các dạng xuất huyết thường gặp:

Xuất huyết dưới da: Biểu hiện bằng dạng chấm, nốt đốm, mảng xuất huyết. Đốm xuất huyết thường rải rác khắp cơ thể, nhiều nhất ở các vùng da mỏng (mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, hai bên mạng sườn) và và cẳng chân, cẳng tay (dạng bít tất). Ngoài ra, những nơi bị va đập như chỗ đo huyết áp, đánh gió, đâm kim tiêm truyền, véo da thường để lại dải hoặc mảng xuất huyết. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể gặp các “u” hoặc “bọc” xuất huyết dưới da.
Xuất huyết niêm mạc: Biểu hiện với triệu chứng chảy máu cam, thường chảy máu ở điểm mạch phía trước và dưới vách ngăn, cách cửa mũi khoảng 1,5 cm (điểm mạch Kisselbach). Ngoài ra, người bệnh có thể chảy máu lợi chân răng, xuất huyết dưới kết mạc mắt,…
Xuất huyết phủ tạng: Biểu hiện với tình trạng chảy máu tiêu hoá, nếu không được can thiệp và theo dõi chống sốc kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao bị xuất huyết tiết niệu, xuất huyết âm đạo, hô hấp, xuất huyết não, màng não,…
Cho đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, giảm sốt và đề phòng biến chứng. Một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần trước. Trong giai đoạn hạ sốt, người bệnh phải theo dõi sát, vì có thể xảy ra các dấu hiệu chảy máu tự nhiên ở mũi, chân răng, âm đạo,… phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu kịp trời, tránh tử vong hoặc biến chứng lên tim, não…

Để phòng tránh sốt xuất huyết, người dân cần vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp các vật dụng chứa nước tù đọng như vỏ xe, chai lọ, thùng xốp, ly nhựa, xô, chậu cảnh, bể cá, ly nước cúng lâu ngày, bình hoa cúng trên bàn thờ,… dễ cho muỗi sinh sản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 8957